Tăng cường vận khí, tài lộc cho gia chủ với cách bố trí sân thượng hợp phong thủy
Nhiều gia đình thường tận dụng khoảng sân thượng để gia tăng diện tích sử dụng cho ngôi nhà bằng cách bố trí một nửa là sân, một nửa là phòng thờ hoặc khu giặt phơi.
Sân thượng là một phần kiến trúc không thể thiếu của nhà phố hiện đại. Đây là khoảng không gian thoáng mát và yên tĩnh nhất cho phép chủ nhà tận dụng để thư giãn, hóng gió hay trồng cây. Ngoài ra, xét theo góc độ phong thủy, việc bố trí không gian sân thượng đúng cách sẽ có tác dụng tăng cường vận khí, “mời gọi” tài lộc đến nhà.
Sân thượng là không gian nằm ở trên cùng của ngôi nhà nên cách bài trí, sắp xếp trên sân thượng có ảnh hưởng rộng khắp đến toàn ngôi nhà và các thành viên sống trong đó. Đây cũng là không gian đón nhận được quá nhiều ánh sáng tự nhiên mà theo phong thủy gọi là “thịnh dương”. Do vậy, khi bố trí sân thượng cần tạo ra những khoảng râm mát bằng cách làm mái che hoặc trồng cây xanh tán rộng để cân bằng âm dương, tạo sự hài hòa cho không gian.
Một số nguyên tắc phong thủy khi bố trí sân thượng
Nhiều gia đình thường tận dụng khoảng sân thượng để gia tăng diện tích sử dụng cho ngôi nhà bằng cách bố trí một nửa là sân, một nửa là phòng thờ hoặc khu giặt phơi. Khi đó, cần lưu ý, không phơi phóng đồ trước khu vực tâm linh vì như vậy là phạm vào cấm kỵ trong phong thủy. Bên cạnh đó, bàn thờ gia tiên nếu đặt trên sân thượng cần được kê cao, khô ráo, không gần các vật rác rưởi; mặt bàn thờ hướng ra ngoài, chính là không gian mở của sân thượng. Đảm bảo được điều này sẽ góp phần làm tăng tính tôn nghiêm cho không gian thờ cúng.
Cũng có một số gia đình đặt bồn cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ ngôi nhà trên sân thượng thì cần lưu ý không đặt bồn nước giữa sân thượng bởi đó là khu vực thuộc Thổ, đồng thời không để bồn nước đè lên trên phòng thờ hay giường ngủ. Nếu bố trí tiểu cảnh núi non, tiểu cảnh nước hay trồng rau trên sân thượng thì cần tránh đè nén lên khu vực thờ cúng, bếp hoặc phòng ngủ.
Các nhà phố thường có cột thu lôi dẫn từ sân thượng xuống dưới đất nhằm đảm bảo an toàn khi có sét đánh trúng ngôi nhà. Tuy nhiên, theo quan niệm phong thủy, gia chủ cần tránh đặt cột thu lôi ở giữa sân thượng bởi khu vực này tượng trung cho sơn tuổi của gia chủ và con trai trưởng trong nhà. Mà ngôi nhà giống như một sinh thể sống, trung tâm sân thượng biểu tượng cho đỉnh đầu của chủ nhà nên việc đặt cột thu lôi ở vị trí này sẽ ảnh hưởng đến não của gia chủ.
Nếu trên sân thượng có bể bơi thì gia chủ nên bố trí ở các hướng Đông, Tây, Đông Nam, Tây Bắc, Bắc, đồng thời luôn đảm bảo khu vực này được sạch sẽ. Ngoài ra, hệ thống thoát nước có liên quan đến tài lộc của gia đình nên cần được cần thiết theo thủy pháp trường sinh và đặt ở vị trí hợp phong thủy để tránh ngập úng và gia tăng tài lộc.
Cây trồng sân thượng
Theo khoa học, trồng cây trên sân thượng sẽ tạo thành một lớp khúc xạ ánh sáng xuống nền sân thượng, từ đó giảm nhiệt độ chung của ngôi nhà. Còn theo phong thủy, sân thượng là nơi “dương thịnh” nên thích hợp để trồng những loại cây có tác dụng hút vượng khí vào nhà.
Khi trồng cây trên sân thượng, ngoài chú ý đến bố cục chung, nên chọn loại cây hợp phong thủy với ý nghĩa mang lại sức khỏe, củng cố tài vận và giúp sự nghiệp thăng tiến. Để không gian sân thượng luôn mát mẻ và giữ được độ ẩm trong những ngày nắng nóng, nên trồng những loại cây leo, cây có tán rộng, những cây không có rễ bám sâu vào tường.
Sau khi đã chọn được những loại cây phù hợp với điều kiện sân thượng, hợp phong thủy, gia chủ cần lưu ý trồng cây ở hướng cát và tránh hướng hung. Theo phong thủy, cây cối là Mộc tinh nếu được trồng ở hướng Càn là hướng Tây Bắc sẽ có tác dụng bảo vệ chủ nhân của ngôi nhà.
Ở các thành phố lớn, nhiệt độ ngoài trời có lúc tăng rất cao, việc thiết lập các giàn dây leo trên sân thượng để lấy bóng mát rất được chú trọng. Tuy nhiên, cần tạo cấu trúc vững chắc như làm khung, chăng dây để tạo giàn cho cây phát triển. Sức gió trên cao cũng là yếu tố cần lưu tâm đối với cây trồng trên sân thượng. Do vậy, khi dựng hàng rào làm giàn cho cây leo thì cần để hở và thông thoáng, tránh để kín mít nếu không sẽ trở thành nơi hứng gió.
Cây cối trên sân thượng cần được chăm bón, cắt tỉa và diệt trừ sâu bệnh thường xuyên bởi những loại cây bị bệnh hoặc còi cọc là nơi giam hãm khí xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến vận khí và tài lộc của ngôi nhà.
Mái che sân thượng
Khi trồng cây trên sân thượng, nên lắp đặt mái che có đủ khả năng chắn ánh sáng gay gắt để bảo vệ cây cối. Mái dành cho sân thượng có rất nhiều hình thái với chất liệu khác nhau. Hiện nay, không ít gia đình lựa chọn chất liệu mái trong suốt, gam màu xanh để vừa che mưa, tạo được khoảng râm mát trong khi vẫn tận dụng được ánh sáng tự nhiên.
Nếu là ngũ hành Hỏa thì việc thiết kế mái sao cho góc giữa của hai mái chếch hơn 90 độ sẽ tốt nhất, tiếp theo là loại mái hình bát úp ngược hoặc chỏm cầu có hình dáng hài hòa, mang ý nghĩa đùm bọc, giữ tài lộc trong phòng thủy. Tuyệt đối không chọn mái có hình dáng nhọn vì dễ tạo thành sát khí.
Vấn đề chiếu sáng sân thượng
Đèn thắp sáng là một yếu tố cần cân nhắc dù gia chủ lựa có chọn trồng cây trên sân thượng hay không. Vào ban đêm, ánh sáng tỏa ra từ bên trong ngôi nhà có thể không đủ để chiếu sáng cho khu vườn phía trên. Do vậy, gia chủ nên bố trí thêm đèn chiếu sáng trên cao để bao quát được cả khu vườn.
Chọn linh vật tốt cho sân thượng
Rồng đá: Linh vật phong thủy này phù hợp với những ngôi nhà có sân thượng hướng ra hồ, biển, sông, suối… sẽ phạm vào đại kỵ trong phong thủy, khiến tâm trạng gia chủ bất an, luôn bị xô đẩy như sóng nước. Một đôi rồng làm từ chất liệu đá được đặt quay đầu về nơi có yếu tố Thủy ngự trị sẽ giúp trấn át điều này. Nếu gia chủ tuổi Tuất, hãy thay rồng đá bằng kỳ lân hoặc long quy để tránh xung khắc.
Chim ưng đá: Khi đứng trên sân thượng nhìn xuống, tầm nhìn dễ bị khuất bởi các góc. Trong phong thủy, điều này được cọi là cục khốn, khiến gia chủ không vững tâm và khó thăng tiến. Khi đó, hãy đặt một con chim ưng bằng đá trên lan can sân thượng, có phần đầu hướng ra ngoài, hai cánh chim dang rộng để tăng cường tầm nhìn cho gia chủ. Nếu gia chủ cầm tinh con gà thì không đặt chim ưng để tránh xung khắc và phạm phong thủy.
Rùa đá hoặc rùa đồng: Theo phong thủy, các biểu tượng hình dao trảm, răng cưa, sắc nhọn sẽ tạo thành sát khí khiến gia chủ dễ gặp nguy hại. Trong khi đó, rùa là linh vật mang tính âm, tượng trưng cho sự trường thọ và cái thiện. Đặt rùa đá hoặc rùa đồng trên sân thượng sẽ giúp hóa giải mọi điềm xấu, biến hung thành cát. Lưu ý, khi đặt tượng rùa, cần đặt chúng nằm đối đầu nhau để phát huy được tối đa công dụng.