Ngũ hành trong phong thủy nhà ở
Cùng với khái niệm âm dương, ngũ hành đã được văn hóa truyền thống Đông phương nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng trong đời sống và hiện nay cũng được giải mã rõ ràng dưới ánh sáng khoa học tiên tiến.
Ngũ hành là 5 yếu tố bản thể của vũ trụ bao gồm Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ, diễn giải mối quan hệ vật chất trong không gian, với nhiều ứng dụng và giải pháp phong phú.
Ta hay nghe nói ngũ hành tương sinh, tương khắc nhau, cần hiểu thêm: Sinh hay khắc không đồng nghĩa với “đẻ ra” hay “tiêu diệt” nhau. Ví dụ Thổ khắc Thủy tức là dùng đất đắp đê ngăn nước lũ chứ không phải đất diệt được nước, Thủy bị chế ngự chứ không mất đi. Hoặc nói Thủy sinh Mộc tức là nước giúp cho cây sống và phát triển, nhưng nước nhiều quá lại gây ngập úng, tức là chuyển sang khái niệm Tương Thừa – mặt trái của Tương Sinh. Còn khái niệm Tương Vũ cũng là mặt trái của Tương Khắc, ví dụ như Kim khắc Mộc nhưng nếu cây gỗ cứng mà dao nhỏ thì không thể chặt đứt, thậm chí bị mẻ dao, tức là Mộc đã Vũ (khắc lại) Kim…
Do đó ta thấy những vùng đất trù phú, đông dân cư thường là những nơi có đầy đủ ngũ hành, nếu chỉ thuần một hành nào đó (ví dụ toàn Thổ – cát đá trơ ra theo kiểu sa mạc – hay toàn Thủy, ngập lụt thường xuyên) thì tức là tình trạng mất cân bằng về sinh thái, khó định cư lâu dài được.
Khi chọn đất cư trú dù là trên diện rộng (khu dân cư) hoặc diện hẹp (ngôi nhà, phòng ốc), nên quan sát tìm hiểu tính chất ngũ hành để cân đối hài hòa. Các cuộc đất vuông vức, bằng phẳng, không cao quá thấp quá chính đặc thù Thổ, rất hay được chọn khi định cư bởi tính trung hòa thuận lợi để bố cục sắp xếp không gian sống (hình 1).
Còn các thế đất góc nhọn là đặc thù hành Hỏa, phù hợp khi bố trí công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn thu hút (ví dụ các tượng đài, vườn hoa tai giao lộ kiểu “mũi tàu”, công trình tôn giáo có tháp nhọn vươn cao). Đối với hành Mộc, dù là dạng đứng (nhà cao tầng) hay dạng nằm (nhà ống dài và hẹp) thì đặc tính chung vẫn là sinh Hỏa – khắc Thổ, do đó xây cao ốc nhiều hoặc nhà phố ống dày đặc mà không chú ý mật độ – cảnh quan – khoảng thoái lui hợp lý thì sẽ tạo nên những ” rừng nhà” thiếu thông thoáng, khó an toàn khi gặp hỏa hoạn.
Một căn phòng dùng quá nhiều yếu tố Mộc sẽ dễ gây cảm giác ngột ngạt, thiếu sự thoát mở và nhiều hoài niệm xưa cũ. Khi nội thất cần thêm hành Mộc nghĩa là có thể điểm xuyết chút cây cối (hình 2) hay những vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như giấy, vải, gỗ. Biểu tượng Mộc thể hiện qua các mảng dọc và thẳng, họa tiết hoa lá và cảm giác che chở. Trong khi đó hành Hỏa luôn giúp tăng niềm hưng phấn và sự ấm áp.
Nếu lạm dụng nhiều yếu tố Hỏa sẽ gây nên tác dụng nóng nực, thiếu kiểm soát. Vì vậy, trong không gian vốn thiên về màu lạnh, tại văn phòng làm việc hay góc thư giãn, dùng thêm một chút hành Hỏa thông qua ánh sáng đèn sáng ấm áp và chút phá cách chéo góc có thể giảm đi cảm giác trì trệ.
Hỏa sinh Thổ là đi từ trạng thái hưng phấn sang yên ổn và cân bằng, thậm chí là tĩnh mịch, uể oải nếu dùng nhiều hành Thổ. Đa số nhà cửa và vật dụng vuông vức đều thuộc hành Thổ, nên cần có sự gia giảm các hành khác trên nền tảng Thổ làm cơ bản, trung tâm. Ví dụ phòng khách khi thêm chức năng sinh hoạt gia đình có thể bổ sung Hỏa và Mộc để tươi tắn hơn, và cũng có tính truyền thống hơn (hình 3). Còn nếu là nơi tiếp khách giao dịch thì lại cần tăng tính Kim (hình 4).
Sự hiện diện của vật liệu bằng kim loại trong một không gian sống sẽ cho ta cảm giác gọn gàng, hiện đại. Nhưng nếu Kim quá nhiều, sẽ nảy sinh cảm giác nội thất trở nên lạnh lùng máy móc và xa cách với các giá trị tự nhiên mộc mạc. Nhận dạng tính Thủy trong không gian sống thông qua màu đen, xanh biển và những đồ vật có bề mặt uốn lượn, hình thể không đối xứng, nước và các yếu tố liên quan đến nước, chẳng hạn như bể cá hay những đài phun nước. Dĩ nhiên, đưa nước vào nhà cần có sự kiểm soát để Thủy không lấn át Hỏa, bổ sung nét tự nhiên và tạo sự lưu chuyển khí dồi dào, sống động.