Biểu tượng Dơi trong phong thủy
Dân gian thường lưu truyền câu chuyện rằng con dơi là do chuột biến hoá mà thành, chuột sau khi ăn muối sẽ hóa thân thành dơi. Do dơi có đầu và thân trông giống chuột, nên loài vật này còn được gọi là “phi thử”(chuột bay) hay “tiên thử” (chuột tiên).
Hình tượng dơi xuất hiện khá nhiều trong các vật phẩm phong thủy và trang trí
Sở dĩ có cách nói này là do hình tượng của dơi có phần đặc biệt. Nếu xem xét dựa theo cách phân loại của động vật học hiện đại, thì dơi là loài động vật thuộc bộ Chiroptera (tay cánh), là động vật có vú có khả năng bay lượn rất tốt. Chi trước của dơi ngoài ngón thứ nhất ra, những ngón còn lại dài và mảnh, giữa các ngón và giữa chi trước và chi sau có một màng da mỏng không có lông, nên có thể bay lượn.
Ngoài ra, dơi còn có tập tính sinh hoạt vào ban đêm, ban ngày treo ngược mình ngủ trong hang đá, buổi tối bay ra kiếm mồi. Chính vì hình dáng và tập tính không bình thường của dơi, nên người xưa coi nó là thần tiên.
Tương truyền, dơi là động vật trường thọ, nên ăn thịt nó cỏ tác dụng kéo dài tuổi thọ. Trong cuốn “Bão phác tử” có nói: “Dơi nghìn năm, màu như tuyết trắng, bắt được loại dơi này phơi khô giã nhỏ rồi ăn, có thể sống lâu vạn tuổi”. Những sách khác lại nói, nếu con người ăn được loài dơi to bằng con chim sống trong hang sâu, thì có thể biến thành thần tiên. Đương nhiên những nhận định này đều không có căn cứ.
Sở dĩ con dơi trở thành biểu tượng may mắn, có thể nói nguyên nhân phần nhiều là do âm đọc mang lại. Theo đó, trong tiếng Hán, chữ “bức” (con dơi) có phát âm giống với chữ “phúc”, tức cách nói chung về những điều may mắn như ý, nên phạm vi ứng dụng của hình tượng dơi rất rộng rãi. Loài vật này thường xuyên xuất hiện trong các bức tranh cát tường. Có những bức tranh chỉ vẽ dơi, như bức song phúc, ngũ phúc…
Biểu tượng dơi còn xuất hiện nhiều hơn trong các hoa văn cát tường, chẳng hạn như ngũ phúc bổng thọ, phúc tại nhãn tiền, bình an ngũ phúc tự thiên lai,…
(Theo Các vật phẩm phong thủy cát tường)