Cách xem phong thủy cho phòng thờ đúng chuẩn
Đối với mỗi nơi sẽ có những cách bố trí phòng thờ khác nhau. Do không gian thờ cúng có ý nghĩa tâm linh với gia đình, tránh bị động nên cách bố trí sắp xếp phòng thờ như thế nào để có sự kết nối với nề nếp gia phong của gia đình với con cháu trong nhà.
Bố trí bàn thờ gia tiên
Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt, đặc biệt là đối với phong thủy phòng thờ bàn thờ tổ tiên thường đặt tại ngay giữa gian chính, gian chính lại là chỗ tiếp khách nên nhiều người cho rằng hai không gian này là một, nên một số nhà xây mới hiện nay vẫn có thói quen để bàn thờ ngay tại phòng khách. Nhưng nếu có điều kiện vẫn nên làm gian thờ riêng biệt, đó là do:
Thứ nhất, người ta tránh việc đi từ ngoài cửa vào đã nhìn thấy bàn thờ, hình ảnh tổ tiên; hơn nữa, bàn thờ thuộc tĩnh, không hợp với sự phô trương.
Thứ hai: Bàn thờ ngay cửa chính sẽ đón nhận nhiều sát khí từ ngoài vào, hoặc dễ có gió thổi làm động bát hương.
Thứ ba: Bàn thờ chính gian giữa, người khấn đứng quay lưng ra cửa, sẽ có cảm giác bất an, khó tập trung tư tưởng khi khấn, làm mất tính trang nghiêm…
Tốt nhất, là nên cân nhắc vị trí đặt bàn thờ ngay khi bắt đầu thiết kế xây nhà sao cho phù hợp. Ví dụ, muốn đặt dưới tầng một thì bàn thờ nên nằm sát giếng trời hoặc trong khoảng thông tầng, nằm ở phía sau nhà và không “lộ diện” ra phòng khách. Khi đặt trên tầng, bàn thờ nên kín đáo với người ngoài và gần gũi với người trong gia đình.
Với nhà chung cư, bàn thờ vẫn phải đảm bảo sự thông thoáng, nhưng kín đáo và thống nhất về hình thức sao cho tương ứng với không gian căn hộ.
Kiêng kỵ với bàn thờ
Thứ nhất: là kiêng kỵ về bố trí, thì ở trên cũng đã nói qua. Còn những điểm cần chú ý như bàn thờ không đặt cạnh tường bếp đun, không dựa lưng vào nhà vệ sinh, hay không nằm dưới hay trên vệ sinh, hạn chế đặt ở ban công…
Thứ hai: là kiêng kỵ về cách cục, trong phong thủy phòng thờ được coi như kháo sơn, cần đặt ở nơi có sơn tinh đang vượng. Như chúng ta đang ở trong vận 8, bàn thờ nên đặt nơi có Cửu Tử hay Nhất Bạch đáo sơn.
Thứ ba: là kiêng kỵ về thời gian lập bàn thờ. Việc lập bàn thờ thường hay được tiến hành đồng thời với nhập trạch, nên việc lựa chọn thời gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này. Ngoài thời gian phù hợp với nhập trạch, cúng tế hay hợp tuổi gia chủ, người ta còn chú ý đến thời điểm có sao Bát Bạch để hóa giải sát khí.
Thứ tư: là kiêng kỵ về người lập bàn thờ: người xưa cho rằng phụ nữ có thai có nhiều tạp khí, không nên động chạm vào bàn thờ hay bát hương. Hơn nữa, người bốc bát hương nên là gia chủ, chứ không nhất thiết phải nhờ người khác, cốt sao là sự thành tâm và tay chân sạch sẽ khi thực hiện.
Thứ năm: là kiêng kỵ về bố trí trên bàn thờ. Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương hay trưng bày, những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa. Nếu thờ gia tiên cùng Phật hay thờ Mẫu, cần tách riêng bàn thờ Phật hay thờ Mẫu; bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt.
Thứ sáu: là kiêng kỵ về đồ lễ trên bàn thờ, quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi, hoa tươi và nước sạch. Tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Không nên để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.