Những nguyên tắc bất biến của cầu thang
Khi xây dựng cầu thang, có những nguyên tắc bất thành văn mà có thể bạn chưa biết.
Phong thủy cầu thang
Cầu thang rất quan trọng trong giao thông theo trục đứng của ngôi nhà. Theo phong thủy, cầu thang là điểm khởi đầu dẫn luồng khí trong lành đến các phòng sinh hoạt của cả ngôi nhà. Vì thế điểm khởi đầu của cầu thang trong nhà phải sáng sủa, thông thoáng và được đặt vào cung “lành”, hướng tốt.
Không nên đặt cầu thang giữa nhà. Cầu thang chạy thẳng ra cửa chính sẽ làm tiền của ”chảy” mất. Bạn có thể khắc phục bằng cách uốn cong mấy bậc đầu, vừa cách điệu vừa hợp phong thuỷ.
Cầu thang uốn hình cánh cung giúp khí lưu chuyển dễ dàng, nhưng nếu xoáy trôn ốc (hình tròn) thì không tốt, giống như mở nút chai nguy hiểm. Bậc thang chỉ có tâm nằm ngang, không có tâm đứng, hở bậc, thiết kế như vậy là vượng khí thoát ra ngoài giống lỗ hổng trong nhà, đều không tốt. Nên lỡ chạm phải điều cấm kỵ thì khắc phục bằng tấm gương, khánh nhạc, chậu cây hoặc đèn sáng, tuỳ trường hợp cụ thể.
Tổng số các bậc thang phải tuân theo thuyết trường sinh, nghĩa là tuân theo chuỗi sinh – lão – bệnh – tử. Theo đó, tổng số bậc mỗi tầng khi đem cho 4, số dư còn lại sẽ ứng với: 1 – Sinh, 2 – Lão, 3 – Bệnh, 4 – Tử. Nếu chia hết thì bậc cuối cùng rơi vào chữ “tử” là tuyệt đối không tốt, cần phải xây số bậc cầu thang là số lẻ sao cho bậc dư là con số 1 – chữ “sinh”. Chính vì thế mà người ta còn gọi đây là nguyên tắc 4 + 1.
Điều này không những đảm bảo thuận tiện về sinh hoạt, đồng thời cũng mang lại cho chúng ta cảm giác yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà của mình. Số lượng bậc thang được tính từ bậc thứ nhất cho tới điểm kết thúc (chiếu tới, hành lang). Nếu có chiếu nghỉ thì chiếu nghỉ được tính như một bậc thang bình thường.
Kiểu cầu thang
Có thể thiết kế cầu thang theo nhiều kiểu:
* Kiểu tấm đan sàn bê tông cốt thép: Kiểu này người ta vỉa bậc bằng gạch, dùng cốn 2 bên hoặc 1 bên (bên kia chèn vào tường), cốn gở giữa kiểu cánh chim.
* Kiểu gấp khúc (hình răng cưa): bằng bê tông cốt thép, không có tấm đan ở dưới. Kiểu này trông đẹp nhưng khó thi công, phải đổ bê tông toàn khối theo từng bậc.
* Cầu thang tròn: có thể dùng 1 trụ bê tông cột thép ở giữa và hoàn tất các mặt bậc vào cột hoặc là tấm đan hình xoáy ốc cao dần lên.
* Cầu thang liền 1 dải: rất ít làm vì quá dài. Thông thường, nên cách điệu thành 2 đợt hoặc theo hình chữ U, 3 đợt. Bậc thang được chia đều cho các đợt thang, hoặc bố trí theo kiểu đợt nhiều đợt ít, tuỳ mặt bằng. Giữa hai đợt thang, chân nghỉ không có bậc nhưng nền nhà hẹp vẫn có thể đặt thêm vài bậc, không nên chỉ đặt một bậc, dễ gây hụt hẫng.
Các điểm cần lưu ý
* Lan can cần thoáng, nên dùng hoa sắt uốn đẹp hơn xây gạch đặc.
* Vật liệu ốp mặt ngoài chủ yếu phủ granito ốp đá, nhưng đẹp và sang nhất là dùng gỗ ốp toàn bộ với tay vịn bằng gỗ nhuộm màu thẫm.
* Phần mép bậc không trang trí quá nhiều gờ phức tạp vì đó là nơi chân người đi dễ đụng phải, có thể vấp ngã.
* Mỗi thang bậc cũng nên làm phẳng, không dốc vào phía trong hay bên ngoài.
Một số khái niệm và những thông số kỹ thuật với cầu thang nhà dân dụng
* Chiều rộng của thân thang: Trong kiến trúc nhà ở dân dụng hiện nay, cầu thang thường rộng từ 0,9 – 1,2m.
* Độ dốc của cầu thang: Độ dốc của cầu thang được quyết định bởi tỉ lệ chiều cao và chiều rộng của bậc thang, có quan hệ mật thiết với khoảng rộng của bước đi, được tính bằng công thức 2h + b = 600mm (trong đó: h là chiều cao bậc thang; b là chiều rộng bậc thang). Trong các công trình kiến trúc, độ cao của bậc thang trong nhà thường từ 150mm – 180mm, chiều rộng tương ứng từ 240 – 300mm.
* Kích thước của chiếu nghỉ: Chiều rộng của chiếu nghỉ không được nhỏ hơn chiều rộng của thân thang, đồng thời phải thuận tiện trong quá trình vận chuyển.
* Chiều cao của lan can: Thông thường, chiều cao của lan can có liên quan mật thiết với độ dốc của cầu thang. Với cầu thang không dốc, lan can nên được làm cao một chút. Chiều cao của lan can được tính từ trung tâm của mặt bậc thang đến mặt trên của tay vịn là 900mm.
(Theo Vzone)