Nguồn gốc của thuyết Âm Dương – Ngũ hành
Từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, chúng ta được biết đến nguồn gốc của âm dương ngũ hành, tuy nhiên mỗi nguồn gốc sẽ có một câu chuyện khác nhau. Do vậy, trong bài viết này chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của âm dương ngũ hành qua “ Kinh dịch cổ”, nguồn gốc của thuyết Âm Dương – Ngũ hành là từ một mô hình tối cổ về các con số gọi là hà đồ.
Tương truyền do trời ban cho vua Phục Hy, một ông vua thần thoại của Trung Hoa, cách đây khoảng 4000 năm. Khi Ngài đi tuần thú phương Nam, qua sông Hoàng Hà, bỗng thấy một con Long Mã hiện lên, trên lưng nó có những chấm đen trắng. Rồi khi về Ngài mới phỏng theo mà vẽ lại thành một bảng ký hiệu 10 số đếm bằng các chấm đen và trắng, xếp thành hai vòng trong và ngoài, theo đúng 4 phương: Nam, Bắc, Đông, Tây.
Ở chính giữa là hai số 5 và 10. Ngài gọi là “Hà đồ”, tức là bức đồ trên sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, trong hà đồ không phải chỉ có âm dương, bởi vì chỉ riêng hai trạng thái cực âm dương thì không đủ giải thích mọi biến thiên phức tạp của vũ trụ. Trong đồ hình còn có cả nội dung tương tác của 10 số đếm, thông qua sự định vị 5 con số đầu tiên là 5 con số sinh, đại diện cho 5 yếu tố vận động trong vũ trụ. Như vậy Ngũ hành đã được định cùng với 5 cặp số sinh thành ra chúng, có vị trí tiên thiên theo đúng các phương hướng của các cặp số: 1-6: Hành thủy, phương Bắc; 2-7: Hành hỏa, phương Nam; 3-8: Hành mộc, phương Đông, 4-9: Hành kim, phương Tây; và 5-10: Hành thổ, ở ngay Trung tâm.
Do vậy, Ngũ hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ khi tương tác lẫn nhau cũng phải theo tương quan hai chiều đối xứng là âm và dương, tức sự liên hệ thuộc về khía cạnh tương sinh và tương khắc. Đây là tinh thần căn bản của thuyết Ngũ hành. Theo đó cứ hai Hành đứng kề cận nhau thì sinh cho nhau, luân chuyển mãi không ngừng, các hành cách nhau thì khắc chế nhau, và cứ thế mà luân lưu mãi, biểu thị cho triết lý cao siêu của sự đổi thay, biến dịch hay chuyển hóa của vũ trụ tự nhiên. Điều này chính là lý thuyết của Kinh dịch. Bây giờ ta đi sang phạm vi chính của bài là nói về khoa Phong thủy được áp dụng trong đời sống chúng ta. Trong lý thuyết của Phong thủy, trên thì xem Thiên văn, dưới thì xét Địa lý. Lý thuyết cơ bản từ học thuyết thái cực, Âm Dương, Ngũ hành, tinh tượng chuyển hóa. Tùy theo khả năng và kiến thức của thầy Phong thủy, ông sẽ diễn dịch các hiện tượng đã hiện hữu làm sao là sự kiện tốt hay xấu, nên hay không,…